VÀI BÍ QUYẾT ĐỂ HỌC TỐT CÁC MÔN CHUYÊN NGÀNH DƯỢC

Phát biểu tại Hội nghị học tốt và nhân điển hình tiên tiến trong HSSV năm học 2011-2012.

Th.S. Đoàn Thanh Hiếu

Bộ môn Hoá dược - Khoa Dược - Đại học Y - Dược TN

Bí quyết 1. Xác định mục đích, động cơ học tập đúng đắn

Mục đích học tập - học để làm gì?

·        Học để thi (đạt điểm cao hay chỉ đạt điểm qua)? Đây là mức độ thấp nhất, dễ thực hiện nhất.

·        Học để thu được nhiều kiến thức, kỹ năng? Đây là mức độ trung bình, có thể bao hàm mục đích thứ nhất hoặc không.

·        Học để giải quyết vấn đề? Đây là mức độ cao nhất, có thể bao hàm 2 mục đích đầu tiên hoặc không.

Động cơ học tập - học vì điều gì, học cho ai?

Cần xác định học cho bản thân, cho công việc trong tương lai vì những gì bạn học được sẽ là "cần câu cơm" của chính bạn.

Để có được "cần câu cơm", bạn cần học để đạt được cả 3 mục đích trên: đạt điểm cao, thu được nhiều kiến thức và thành thạo kỹ năng, có cách giải quyết vấn đề linh hoạt. Khi đi xin việc, bạn không thể mang bảng điểm với toàn điểm trung bình để thuyết phục nhà tuyển dụng rằng tôi am hiểu kiến thức, thành thạo kỹ năng, hay giải quyết công việc linh hoạt, cũng không thể khẳng định mình có thể đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng về năng lực của mình chỉ dựa vào kết quả cao trong bảng điểm.

Bí quyết 2. Sự siêng năng, thể hiện ở

- Đi học đủ, đúng giờ

Việc đi học đầy đủ, đúng giờ có ý nghĩa lớn trong việc quyết định tỷ lệ % kiến thức thu được của sinh viên. Tỷ lệ này sẽ là 0% nếu sinh viên nghỉ học, sinh viên đó cũng sẽ gặp khó khăn hơn trong việc xử lý thông tin khi tự học, bởi số lần xử lý thông tin của sinh viên đó sẽ ít hơn so với sinh viên dự học đầy đủ, và gặp khó khăn khi định hướng lựa chọn các thông tin hữu ích cho việc học thi cũng như tích luỹ kiến thức.

Hơn nữa, mỗi bài giảng đều là kết tinh kiến thức, mà ở đó người thày đã phải đầu tư rất nhiều thời gian, công sức và tâm huyết để xử lý và giúp sinh viên trong việc xử lý thông tin.

- Làm bài tập đầy đủ, cẩn trọng, nghiêm túc

Bên cạnh việc đi học đầy đủ, đúng giờ, sự siêng năng còn thể hiện ở việc sinh viên làm bài tập đầy đủ, bao gồm cả bài tập bắt buộc và bài tập không bắt buộc. Việc làm bài tập này cần được diễn ra thường xuyên, với một thái độ nghiêm túc và cẩn trọng chứ không phải chỉ mang tính đối phó với điểm số hay sự kiểm tra của giảng viên.

Bí quyết 3. Sự chủ động, thể hiện ở

- Kế hoạch học tập

Đối với sinh viên đại học, việc lên một kế hoạch học tập cá nhân, tức là lên kế hoạch xem bạn cần đầu tư nhiều thời gian, công sức vào phần nào, học phần đó như thế nào, và thực hiện thực hiện đúng kế hoạch đã đặt ra góp phần lớn quyết định kết quả học tập của sinh viên. Để có được kế hoạch học tập phù hợp với năng lực bản thân, bạn nên chủ động hỏi cố vấn học tập và giảng viên phụ trách học phần đó ngay khi bắt đầu một học kỳ.

- Đọc bài trước khi đến lớp

Việc đọc bài trước khi đến lớp lý thuyết sẽ giúp bạn chủ động hơn trong việc tiếp thu, xử lý thông tin, thông tin bạn nhận cũng được xử lý nhiều lần hơn, giúp bạn dễ dang đạt điểm số cao hơn và thu được nhiều kiến thức hơn.

- Hoàn thành bài tập trước thời hạn, tránh để "nước đến chân mới nhảy"

Việc chủ động hoàn thành bài tập trước thời hạn cũng sẽ giúp bạn đạt được kết quả cao hơn so với việc bạn chủ quan, làm bài tập sát hạn nộp. Làm bài tập trong tình trạng quá căng thẳng, áp lực về thời gian có thể khiến bạn mắc những lỗi không đáng có.

- Tìm thầy khi gặp khó khăn

Trong quá trình thực hiện kế hoạch học tập, bạn đừng ngại tìm đến thầy khi gặp khó khăn, bởi luôn có những thầy cô sẵn sàng giúp đỡ bạn.

Bí quyết 4. Sự sáng tạo

Sự sáng tạo không phải chỉ là luôn có phát hiện mới hay cách làm khác với cách làm thông thường, mà đơn giản là thể hiện ở:

- Cái nhìn tích cực trước vấn đề - mình sẽ thu được gì?

Thay vì chán nản, cho rằng học cái đó chẳng để làm gì, sau này mình cũng sẽ làm những công việc liên quan đến vấn đề đó, đây là tâm lí chung của rất nhiều sinh viên, bạn hãy tạo cho mình cái nhìn tích cực hơn bằng cách cho rằng đó cũng là một cơ hội học tập và cơ hội đó sẽ giúp ích cho bạn trong công việc sau này.

Chẳng hạn, khi thực hành định lượng các dược chất bằng phương pháp chuẩn độ, nhiều sinh viên Dược tỏ ra chán nản, chỉ thực hành với tâm lý đối phó vì cho rằng sau này mình sẽ không làm việc gì liên quan đến những thao tác định lượng này. Những sinh viên này đã không nhìn thấy được ý nghĩa tích cực của những thao tác mình đang rèn luyện, rằng đó chính là những bài học về sự cẩn thận, chính xác và trung thực, những đức tính không thể thiếu đối với Dược sĩ dù bạn có làm việc trong lĩnh vực nào.

Về cái nhìn tích cực trước một vấn đề khó khăn, tôi xin được kể một câu chuyện của chính mình khi còn là sinh viên. Khi đó, nhóm sinh viên năm cuối chúng tôi được phân công thực tập tốt nghiệp tại một Hiệu thuốc thuộc Công ty cổ phần Dược - thiết bị y tế Hà Nội. Đây là một đơn vị nhà nước hoạt động theo hình thức hạch toán báo sổ, tức là hoạt động kinh doanh của hiệu thuốc không hoàn toàn độc lập mà phải thông qua Công ty. Hậu quả là, so với các hiệu thuốc khác hoạt động theo hình thức hoạt động theo hình thức hạch toán độc lập và các nhà thuốc tư nhân, hiệu quả kinh doanh của hiệu thuốc này không cao với số lượng mặt hàng nghèo nàn, doanh thu thấp. Sự nghèo nàn đó khiến chúng tôi không khỏi thất vọng trong những ngày đầu đến thực tập. Tôi cùng với một bạn khác trong nhóm thực tập được phân công tìm hiểu các hoạt động trong kho của hiệu thuốc trước. Thay vì chán nản, chúng tôi đã cùng nhau tranh thủ học tiếng Anh chuyên ngành từ những tờ hướng dẫn sử dụng thuốc của các sản phẩm nhập khẩu. Kết quả là, sau đợt thực tập, tôi đã thu được vốn tiếng Anh chuyên ngành kha khá, giúp tôi có thể đọc được những thông tin cơ bản trên nhãn thuốc nhập khẩu mà không cần đọc đến bản dịch tiếng Việt đi kèm. Sau khi thực tập tại kho, chúng tôi chuyển ra thực tập tại quầy thuốc. Việc đầu tiên nhân viên quầy thuốc giao cho chúng tôi là giúp họ vệ sinh tủ quầy. Nhiều bạn trong nhóm tỏ ý không bằng lòng, vì cho rằng đó không phải là việc của chúng tôi. Khi đó tôi lại nghĩ khác. Tôi cho rằng, đây cũng là một cơ hội để tôi được tiếp xúc trực tiếp với các chế phẩm thuốc, đồng thời tìm hiểu cách sắp xếp thuốc thực tế tại quầy và đối chiếu với lý thuyết đã học. Kết quả là, tôi cùng với người bạn trong nhóm được đánh giá cao nhất trong đợt thực tập đó, và những gì chúng tôi học được giúp ích không nhỏ trong quá trình thực hành nghề nghiệp của tôi sau này.

- Tìm thấy ý nghĩa, ứng dụng thực tế của kiến thức:

Hầu hết giảng viên đều cố gắng giúp các bạn tìm thấy ý nghĩa và ứng dụng thực tế của kiến thức thông qua các bài giảng của mình. Bạn nên chủ động tự tìm hiểu những ý nghĩa và ứng dụng thực tế đó dựa vào những gợi ý của giảng viên. Điều này sẽ giúp bạn cảm thấy việc học tập mang nhiều thú vị và ý nghĩa hơn. Chẳng hạn, khi học Dược liệu, việc học thuộc tên latinh của từng dược liệu có thể khiến bạn cảm thấy chán nản. Bạn sẽ hứng thú hơn nhiều khi biết trên các nhãn thuốc, nhà sản xuất có thể chỉ ghi tên latinh của dược liệu mà không hề ghi tên dược liệu bằng tiếng Việt, và khi đó, bạn buộc phải sử dụng kiến thức về tên dược liệu mà bạn đã học để biết chính xác vị thuốc đó là gì. Hơn nữa, việc học thuộc tên lalinh của dược liệu cũng sẽ giúp bạn có một ý thức đúng đắn trong việc đọc và viết chính xác tên gốc và tên biệt dược của các thuốc tân dược - một trong những điểm yếu của rất nhiều thầy thuốc. Bạn định dùng thuốc alverin, tên khác của dược chất dipropylin, có tác dụng giảm co thắt cơ trơn đường tiêu hoá, tiết niệu, sinh dục, thì không được phép viết nhầm thành Alvesin, một biệt dược có chứa các acid amin.

Khi học Hoá dược, bạn được cung cấp thông tin rằng amipicillin có tính acid, do đó có thể tạo kết tủa với một số chất có tính kiềm. Môn học Dược lâm sàng lại cho biết, nhiều chất có tính acid thì tương kị với những đồ ăn, thức uống có tính kiềm như chè, cà phê. Như vậy, bạn hoàn toàn có thể kết luận rằng ampicillin và nhiều dược chất có tính acid khác không được uống bằng nước chè hay cà phê và đưa ra lời khuyên hữu ích cho người dùng thuốc.

- Liên hệ thực tế với kiến thức đã học

Trong khi học và sau khi học các môn chuyên ngành, hãy tạo cho mình một thói quen quan sát thực tế liên quan đến bệnh tật và việc dùng thuốc diễn ra quanh mình để liên hệ với kiến thức đã học. Chẳng hạn, bạn thấy bà của mình bị viêm họng và có tiền sử cao huyết áp, phải uống nhiều loại thuốc cùng một lúc. Bạn có thể nghĩ ngay đến môn học Dược lâm sàng, phần Tương tác thuốc để tra cứu và tìm hiểu xem những thuốc bà của mình uống có thể có tương tác gì với nhau không, nếu có, bạn có thể có đề xuất gì để việc uống thuốc của bà đạt hiệu quả mà lại an toàn, hợp lý. Hay bạn thấy em nhỏ nhà mình khổ sở vì phải uống những viên thuốc rất to và đắng, bạn có thể tìm thông tin trong môn Bào chế, để thấy dược chất ấy có thể được bào chế dưới dạng khác phù hợp với em nhỏ hơn hay không và đề xuất với cha mẹ mình dùng sang dạng thuốc phù hợp đó. Tất nhiên, trước khi đưa ra quyết định về những vấn đề thực tế đó, hãy kiểm tra lại tính xác thực của thông tin của những người đã có kinh nghiệm thực hành nghề nghiệp liên quan đến vấn đến đó.

Khi các bạn tạo cho mình cái nhìn tích cực trước một vấn đề khó khăn, hay tìm được ý nghĩa thực tế của các môn học, hoặc cố gắng liên hệ thực tế với kiến thức đã học, tìm cách giải quyết nó, chính là lúc bạn học cách dùng kiến thức, kỹ năng mình thu được để giải quyết vấn đề.

Bí quyết 5. Chia sẻ và xử lý thông tin, thể hiện ở

- Kỹ năng làm việc nhóm, chia sẻ thông tin với bạn học và khai thác nhiều nguồn thông tin khác nhau (mạng internet, thư viện, thầy cô). Đây là cách làm giúp bạn thu được thông tin hữu ích và đa chiều.

- Kỹ năng xử lý thông tin. Trong bối cảnh hội nhạp quốc tế, nguồn thông tin đa chiều đến với bạn đòi hỏi bạn phải cẩn trọng và có kỹ năng thì mới có thể tìm được thông tin hữu ích cho mình. Bạn cần tự mình kiểm tra tính xác thực của thông tin, chỉ sử dụng thông tin chính thống, có nguồn gốc rõ ràng, đáng tin cậy. Bạn có thể nhờ đến kinh nghiệm của thầy cô hoặc các anh chị khoá trước học cùng chuyên ngành để giải quyết khó khăn trong việc tìm kiếm và xử lý thông tin.

Để minh hoạ rõ hơn về 5 bí quyết này, tôi xin được kể một câu chuyện của chính mình khi làm khoá luận tốt nghiệp. Trong quá trình học tập, tôi rất có hứng thú với một môn học và có ấn tượng tốt với một người thầy dạy môn học đó. Tôi chủ động tìm đến thầy đề xuất ý tưởng xin được thầy hướng dẫn làm khoá luận tốt nghiệp. Khi được giao đề tài nghiên cứu cùng với một số tài liệu cơ bản (chủ yếu bằng tiếng Anh), ngay lập tức tôi giành cả kỳ nghỉ hè năm đó để thu thập tài liệu, mày mò đọc, dịch, đối chiếu với các công trình liên quan đã được công bố để viết được một sản phẩm đầu tay là bản đề cương nghiên cứu khoa học. Sau khi được duyệt, tôi lại tiếp tục lên kế hoạch, thực hiện kế hoạch làm đề tài, đồng thời khắc phục mọi khó khăn để tự học tiếng Anh, vi tính để có thể tự mình hoàn thành và báo cáo khoá luận. Trong quá trình làm đề tài, tôi luôn chủ động trong việc đặt ra kế hoạch, thực hiện kế hoạch, học hỏi các bạn cùng nhóm, tìm thầy khi gặp khó khăn. Kết quả thu được tốt hơn tôi mong đợi, khóa luận của tôi là một trong những sản phẩm được đánh giá cao nhất trong nhóm. Khi đó, với sự non nớt và trong sáng của tuổi trẻ, tôi chỉ ý thức được rằng mình phải nỗ lực hết mình để đạt được kết quả cao nhất. Giờ đây nhìn lại, tôi mới nhận ra thành công bước đầu đó của mình được làm nên từ những bí quyết mà tôi đã chia sẻ với các bạn, đó là sự siêng năng, sự chủ động, sự sáng tạo, biết tìm kiếm, chia sẻ và xử lý thông tin, và do đó, tôi đã đạt được cả 3 mục đích của học tập - có điểm số cao, có kiến thức và kỹ năng vững vàng về lĩnh vực mình nghiên cứu, và đã học được cách phát hiện và giải quyết vấn đề. Những điều đó thực sự có ý nghĩa và được tôi không ngừng phát huy trong quá trình làm việc của tôi sau này.

Với một kinh nghiệm ít ỏi của một giảng viên đã từng là sinh viên, tôi hi vọng rằng những bí quyết này có thể hữu ích với các bạn khi các bạn biết vận dụng chúng một cách linh hoạt. Thay cho lời kết, xin được có vài lời khuyên dành cho những thày thuốc tương lai:

- Hãy cố gắng để học càng nhiều càng tốt (đặc biệt các là các môn chuyên ngà

- Hãy thu xếp để học ngoại ngữ và tin học, vì đó là những công cụ giúp bạn có thể chia sẻ, xử lý thông tin, nắm bắt những cơ hội trong học tập và việc làm trong tương lai.

- Hãy chủ động và tích cực tham gia vào việc học nhóm

- Hãy chủ động đề xuất, tìm kiếm và thực hiện nghiên cứu khoa học. Đó là phương thức tốt nhất để bạn học cách phát hiện và giải quyết vấn đề.